Brand Identity là một thành tố thiết yếu và quan trọng trong hoạt động xây dựng và quản lí một thương hiệu bền vững. Ngoài logo, hệ thống nhận diện còn bao hàm tất cả những thành phần tạo nên hình ảnh và trải nghiệm, từ đó khắc hoạ chính xác và hiệu quả nhất thương hiệu trong tâm trí khách hàng. Brand Identity còn đóng vai trò gợi nhớ, gây chú ý, liên kết niềm tin và xây dựng sự trung thành - mối quan hệ lâu dài giữa thương hiệu và khách hàng. Điều này không chỉ giúp thương hiệu nổi bật trên thị trường cạnh tranh, mà còn tạo nên giá trị thương hiệu và thành công trong kinh doanh.
Nhiều người lầm tưởng Brand Identity chỉ là logo và màu sắc, nhưng không, nhận diện thương hiệu là một hệ thống hoàn chỉnh - kết quả của quá trình thiết kế và hoạt động branding nghiêm túc - dài hạn. Hãy cùng Ơ khám phá nhiều hơn về hệ thống nhận diện thương hiệu trong hai bài viết, với các phân mục chính: (1) Core System, (2) Key Visuals, (3) Brand Applications và (4) Brand Experience.
Core System - Logo/Color/Typeface
Đây là hệ thống nhận diện cần thiết, cơ bản và chính yếu, được hoàn thành đầu tiên trong giai đoạn thiết kế, bao gồm: logo, hệ màu và font chữ (typeface) thương hiệu. Những yếu tố chủ chốt này đóng vai trò truyền tải rõ ràng và xuất hiện nhiều nhất trong các thiết kế nhận diện - đối thoại trực tiếp cùng người dùng. Vì mang vai trò đại diện cho thương hiệu, hệ thống nền tảng này cần phản ánh rõ ràng brand platform của thương hiệu (thể hiện tốt mục tiêu tồn tại, giá trị, sứ mệnh, tầm nhìn…), khắc hoạ được tính cách, cũng như truyền tải tốt thông điệp và câu chuyện thương hiệu.
Chi tiết chấm tròn trong đôi mắt chú cá ở logomark thể hiện lại trên kí tự A của logotype, gợi nhắc về chiếc kim la bàn định hướng đến tương lai. Hệ màu với tông vàng - đen - xám chủ đạo được diễn đạt trên nhiều loại vật liệu khác nhau nhằm tăng tính sáng tạo và linh hoạt. Font chữ thương hiệu sử dụng duy nhất typeface Inter mạnh mẽ, đa dụng và hiện đại, nhấn mạnh thông điệp thương hiệu: "Giáo dục thiết kế sáng tạo, tinh giản và linh động".
Vì là hệ thống quan trọng, bắt đầu tạo dựng nên hình ảnh thương hiệu, nên mỗi doanh nghiệp cần trang bị hoàn chỉnh cho mình hệ thống core system tốt, với logo - hệ màu - và font chữ tối ưu, ý nghĩa và hiệu quả. Vì phải xuất hiện ở hầu hết mọi ứng dụng thương hiệu nên logo, màu sắc và font chữ cần đảm bảo tính tinh giản (tránh rườm rà, rối mắt), ý nghĩa (tránh ôm đồm - gồng gánh quá nhiều ý tưởng), thống nhất và linh động (hiệu quả trong nhiều trường hợp sử dụng, ở các môi trường vật lí/trực tuyến khác nhau…).
Key Visuals - Graphic/Editorial/Typography/Photography
Key Visuals hay còn gọi là Identity System, chính là hệ thống các chuẩn mực, quy luật hữu hình và trực quan về cách thức tạo nên thiết kế nhận diện, nhằm chuẩn hoá và tăng tính tối ưu trong ứng dụng, giúp tiết kiệm thời gian và giữ vững độ nhất quán trong bộ nhận diện. Hệ thống này cụ thể có thể phân thành 4 phân mục chính:
a. Graphic System: Đây là hệ thống hình hoạ, được xử lí bằng các kĩ thuật thiết kế, đóng vai trò tạo điểm nhấn, tăng tính độc nhất và nổi bật của bộ nhận diện. Việc xử lí nhiều (tối đa) hay ít (tối giản) hệ thống graphic còn tuỳ vào tính chất và đặc thù của từng thương hiệu và từng ngành hàng kinh doanh. Việc khéo léo và linh động trong cách thức xử lí và giải quyết bài toán nhận diện cho từng thương hiệu cũng là trách nhiệm của người làm branding.
Ở bộ nhận diện DAS, graphic system chứa đựng 2 yếu tố chính: (I) các dải màu Gradient từ trên xuống trải theo chiều ngang (đại diện cho ánh sáng và các dòng biển) và (II) Lenticular Effect (hiệu ứng biến dạng qua gương cho logo, hình ảnh và typography)-lấy cảm hứng từ nội thất của DAS.
b. Editorial System: là quy tắc dàn trang, được dùng để quản lí bố cục trong những tác phẩm thiết kế (cả online/offline). Việc xác định rõ ràng quy định về bố cục giúp tăng tính thống nhất và linh động khi thiết kế, đồng thời giảm thời gian sáng tạo và hoàn thiện các ứng dụng mới. Hãy tưởng tượng nếu một ngày bạn phải hoàn thành 12 ứng dụng khác nhau cho thương hiệu, với đa dạng kích thước/mẫu mã (posters, banners, standees, social posts…), việc có một hệ thống quy chuẩn về lưới, cách xếp đặt và phối hợp các yếu tố graphic/hình ảnh/chữ sẽ giúp bạn hoàn thành nhanh chóng, hiệu quả và thống nhất hơn.
DAS sử dụng hệ lưới chẵn tám cột, nhằm tạo cảm giác bền vững và nghiêm túc, kết hợp cùng cách xếp chữ từ trái sang, mang nhiều khoảng không và lặp lại các module nội dung theo Swiss Design, giúp tăng sự tối giản và tối ưu hiệu suất thiết kế.
c. Typography System: đây là những quy luật chủ đạo trong việc sử dụng và thiết kế nghệ thuật chữ trong nhận diện thương hiệu. Vì chữ là phần nội dung chủ chốt, truyền tải trực quan thông điệp và ý tưởng thương hiệu, nên việc hệ thống hoá và thống nhất phương pháp xử lí chữ cũng giúp bộ nhận diện chỉn chu và rõ ràng hơn trong mắt người xem. Các quy chuẩn về việc dùng các weight (kiểu chữ), cách xuống hàng, cắt câu, phối hợp các yếu tố khác vào chữ, hoặc phát triển cách xếp chữ cho câu/đoạn/bài (typesettings),… là những yếu tố cần chú ý để nâng cấp hệ thống nhận diện thương hiệu. Bạn cũng nên chú ý: Typography System và Typefaces là hai yếu tố hoàn toàn khác nhau, khi Typography System (thuộc Key Visuals) chỉ dẫn cách xếp đặt và bố cục nghệ thuật chữ, trong khi đó Typefaces (thuộc Core System) chỉ xác định font chữ chủ đạo cho thương hiệu là gì.
DAS dù chỉ sử dụng 1 typeface là Inter nhưng đa dạng cách dùng với 3 weights: Regular, Semibold và Bold, với cách cắt dòng ngắn gọn, kết hợp cùng logomark mắt cá thay thế kí tự o, cũng tạo nên sự thú vị và linh động trong nhận diện DAS mà không quá rườm rà, rắc rối.
d. Photography/Illustration: có thể nói đây là phần trực quan và cụ thể nhất của Key Visual. Để hoàn thành hệ thống này, bạn cần tập hợp một guideline hướng dẫn những ý tưởng, định hướng và yêu cầu cần đạt được cho hình ảnh và minh hoạ thương hiệu. Việc chuẩn bị trước các luật định này sẽ giúp kết quả nhận được từ nhiều photographers và illustrators (với phong cách sáng tác khác nhau) đều nhất quán và phù hợp với thương hiệu. Đây cũng là bảng tiêu chuẩn rõ ràng để các nhà quản lí điều hướng, đánh giá và phối hợp nhịp nhàng-năng suất với các nhiếp ảnh gia và nhà minh hoạ, cũng như đảm bảo cá tính thương hiệu "hoà hợp mà không hoà tan" cùng cá tính nghệ sĩ.
DAS sử dụng hình ảnh trong - sáng, rõ ràng và tích cực, có thể ở cả định dạng màu hoặc trắng đen, nhưng phải kết hợp cùng hệ màu thương hiệu. Hình ảnh/minh hoạ cần rõ ràng, tương phản mạnh, ấn tượng và tươi sáng, nhằm mang đến môi trường học tập sáng tạo và cởi mở.
Tạm kết
Key Visuals là một thành tố cực kì quan trọng, giúp định hướng và thống nhất cách thiết kế và xử lí nhận diện thương hiệu trong thời gian dài, tạo tính độc nhất và cạnh tranh cao, nhất là cho các start-ups. Hệ thống Key Visuals tất nhiên phải tương hỗ với Core Systems (logo/color/typeface), cũng như tuân thủ và thể hiện đầy đủ brand platforms, truyền tải chính xác thông điệp và tính cách thương hiệu nhằm tránh việc lệch pha và lạc đề bài thương hiệu.
Mong rằng bài viết vừa rồi có thể giúp bạn hiểu thêm về hệ thống thiết kế của nhận diện thương hiệu, và tầm quan trọng - cần thiết của Core Systems và Key Visuals trong hoạt động thương hiệu và kinh doanh của các nhãn hàng. Hẹn gặp lại mọi người ở bài thứ hai về chủ đề này, nơi chúng ta cùng điểm qua hai hệ thống là (3) Brand Applications và (4) Brand Experience nhé.